Thursday, December 2, 2010

LỖI NHỊP


Khi lời ca không theo kịp nhịp điệu hoặc ngược lại, ta có hiện tượng lỗi nhịp. Khi tư tưởng không làm kim chỉ nam cho hành động, hoặc ngược lại hành động không chứng minh cho tư tưởng ta có sự lỗi nhịp. Còn khi mong muốn không gặp được hiện thực, hoặc ngược lại hiện thực là một hiện thực khác cái mong muốn ta có việc lỗi nhịp. Và hai lần lắng nghe vừa qua, ta có những việc lỗi nhịp chưa được hiểu thấu đáo, tường tận.

1.

Một cách chung chung, hai thế hệ của một dòng chảy nhân sinh đã không gặp nhau. Cả hai có lẽ đã không đến cùng nơi dù đang ở cùng chổ, không ở chung cùng thời dù đang chia sẻ cùng những khoảnh khắc ở bên nhau. Một bên muốn nghe, và một bên chưa chuẩn bị nói. Một bên trình bày tâm tư, còn một bên chưa thật thấu hiểu cái gọi là tâm tư. Tâm tư là cái cần được lắng nghe hơn là được phân tích, dù rằng sự phân tích là cần thiết để đi đến hành động cụ thể.

2.

Một cách chi tiết, thế hệ sau đã tạo cơ hội cho sự lỗi nhịp khi bày tỏ những ao ước bằng câu chữ, khái niệm gây nhiều hiểu lầm. Đáng tiếc là nó đã không được diễn dịch theo tâm tư, mà ngược lại nó được phân tích lướt qua về mặt ngữ nghĩa. Đó lại sự lỗi nhịp của bên kia! Khao khát luôn là những ước muốn mạnh mẽ vượt qua sự cho phép của nguyên tắc. Khao khát luôn tìm thấy điểm dừng trên con đường hành động vì động lực mạnh mẽ đó. Người ta không ngăn chặn khao khát, người ta làm nó nhận ra cái hiện thực từ đó chuyển hóa toàn bộ sức mạnh vốn có của nó vào hiện thực đó!

3.

Một động cơ của một thiết bị phải là thống nhất, nhất quán và có định hướng. Vì nó tạo năng lượng cho cả cơ cấu của thiết bị đó vận hành theo sự định sẵn trước đó của cơ cấu đó. Thế nên nếu cái động cơ đó lại thiếu nhớt để bôi trơn, thiếu xăng cho sức sống, thiếu linh hoạt cho sinh khí thì là một khó khăn khác cho cả cấu trúc tự thân. Sự không đồng bộ và cả sự thiếu kỹ năng cơ bản cũng đã tạo ra cái sự lỗi nhịp, mà xét cho cùng cái lý vô thường âu đó cũng là thế thời mà không sao thay đổi được! Giờ đây, mới có dịp hiểu ra lời dạy về chân lý: chân lý tự nó phủ nhận chân lý!

4.

Thật khó khi thế hệ sau được nhắc, được lắng nghe những vấn đề mà ở vị trí hiện tại thực tế nhất của họ lại chẳng thiệt liên quan gì. Tất cả cũng chỉ mới ở bước đầu tiên, thế mà các ý kiến lại vất vưởng ở nơi cao xa của vài chục năm tới! Tuy vậy sự trở về hiện thực trong tầm tay cũng là khó khăn bởi lẽ mọi suy nghĩ của kẻ phía sau còn quá sức mới, mới như cái quẻ Truân của Dịch lý vậy! Ở cái vị trí đó, lý thuyết và hành động, tư tưởng và động năng, ước mơ và hiện thực chưa tách rời nhau để rõ ràng thành ra phương châm và bước tiến. Vì thế, mà nên cái lỗi nhịp này.

5.

Kinh nghiệm và rút kinh nghiệm là cái nguyên nhân gần xa của những sự lỗi nhịp. Mà thực ra, con người làm gì có cơ hội để rút kinh nghiệm trên dòng đời đổi thay không lặp lại như thế này! Thế mà nó lại là cơ sở của mọi phán đoán bằng một thể loại ngôn ngữ đanh như thép, cứng như kim cương! Mọi diễn dịch nên ở vị trí trung dung của nó để tạo ra khả năng cũng như động năng hướng chân lý của tư tưởng. Dòng đời này rồi sẽ trôi đi mà sức trôi của nó đủ mạnh để bào mòn tất cả loại kim cương hay thép không gỉ nào từng có! Kinh nghiệm vẫn chỉ là một em bé lăn xăng trên trường tư tưởng.


Xét cho cùng lý thì lỗi nhịp là một hiện tượng rất đỗi bình thường của trần gian này. Con người chúng ta phải nhận ra rằng cuộc sống không là nơi hoàn hảo, nên chi không phải điều chi cũng là hoàn hảo, mà lỗi nhịp chỉ là một hiện tượng bất toàn trong vạn muôn sự bất toàn cũng như trong một bản chất bất toàn của thế sự. Cái duy nhất hoàn hảo, toàn mỹ là tấm lòng của con người trong cái thế sự bất toàn này. Và chỉ những tấm lòng nhiệt thành phấn đấu không ngừng, bước tới đều đặn để đem đến những sự hoàn hảo nhỏ nhoi trong mỗi khoảnh khắc thời gian, mỗi vị trí không gian. Vậy nên, sống trong thế giới chưa hoàn thiện, thì một sự chưa hoàn thiện không phải là chuyện kinh thiên động địa. Cái động địa kinh thiên chính là nổ lực làm cho sự bất toàn trở nên toàn mỹ hơn!

Thế thì còn gì khác hơn việc nhìn ngắm, trau chuốt những bất toàn nếu không là tận tâm tìm kiếm và thực hành cái lý Thương Yêu mà ngay từ thuở đầu tiên của người học đạo đã là căn bản, là nền tảng của mọi hành vi và suy nghĩ!

Hãy tìm kiếm cơ hội cho sự đồng hiện hữu trong cùng không gian, thời gian. Hãy tìm kiếm dịp nào đó cho mỗi sẻ chia và tâm sự trên dòng đời ngắn ngủi kiếp nhân sinh. Hãy tìm cách tiếp thêm sức mạnh của nhau trong sứ mạng cao cả của một dân tộc, một nhân loại chứ chẳng riêng gì một tổ chức nhỏ bé quá đỗi này.

Bầu trời cao xanh vẫn luôn là biểu trưng của ngày mới; là nơi rộng lớn cho những cánh chim tung bay, những vầng mây trôi nổi triền miên mà vẫn không sao ra ngoài nơi đó được! Cầu nguyện cho bầu trời xanh ấy sẽ sớm là hiện thực cho thế hệ sau, và là hình ảnh của thế hệ đã qua.


Sài Gòn, tháng 12 năm 2010

Thanh Long


No comments:

Post a Comment