Monday, December 13, 2010

VÀI SUY NGHĨ VỀ HAI CHỮ “HÀNH ĐẠO” CỦA NGƯỜI CAO ĐÀI


Hai chữ “hành đạo” không phải là từ mới trong tiếng Việt. Dù không thể chứng minh được nó có từ khi nào, nhưng cũng phải thừa nhận rằng nó có từ rất lâu khi mà con người bắt đầu hiểu và xác nhận về một thế giới thiêng liêng và bằng cách này hay cách nọ, người ta gọi chung là Đạo. Cái đạo ấy vốn tự thân vận hành mà điều quản sự sống còn của vũ trụ. Còn hai chữ “hành đạo” lại nói về vai trò của con người trong sứ mạng tại thế gian. Tuy hai chữ này được dùng rất nhiều trong các tôn giáo khác, ngoài Cao Đài nhưng thật ra chúng có một ý nghĩa rất đặc biệt với người Cao Đài. Nếu nói không quá thì hai chữ này là một đặc trưng của Cao Đài giáo. Vì sao?

Trước hết, phân tích khái niệm này để hiểu hơn về nó. Muốn hành đạo thì trước hết phải có sự việc, sự kiện nào đó. Tất cả những sự việc, sự kiện ấy được người Cao Đài gọi là “đạo sự”. Chính bởi vì có đạo sự, nên tín hữu Cao Đài mới thực hiện đạo sự ấy mà gọi là hành đạo. Bất kể là việc gì, hễ có liên quan đến con người, công tác hay thánh sở, cơ quan đạo Cao Đài thì được xem là đạo sự. Do vậy, “hành đạo” được dùng để chỉ mọi hoạt động tôn giáo, tâm linh của người Cao Đài. Nói như thế thì e ra tôn giáo nào cũng hành đạo cả, chỉ khác là hành đạo theo cách thức Cao Đài hay Phật giáo hay Lão giáo mà thôi. Và đã như vậy thì sao gọi là đặc trưng của Cao Đài được? Phải nói rằng, đã là người tín đồ Cao Đài cho dù ở vị trí nào đi nữa thì cũng phải hành đạo. Chức sắc, chức việc có “cái đạo riêng” để hành, mà người tín đồ thông thường cũng có “cái đạo riêng” để hành. Bất kỳ ai hễ là tín đồ của đức Chí Tôn đều có cái đạo để hành xử, vận dụng trong cuộc sống thường nhật. Ngay trong lời dạy của đức Quan Thế Âm Bồ Tát về bảy bước trên đường tu học của người tín hữu Cao Đài thì hành đạo là bước thứ 6. Ở đây, hành đạo trở thành cuộc sống của mỗi người tín hữu Cao Đài. Đây là một đặc điểm không dễ thấy ở các tôn giáo khác, và rất khác so với đời sống tu học của tín hữu các tôn giáo. Để hiểu vấn đề này, chúng ta hãy tuần tự xem xét các khía cạnh của “hành đạo” thông qua các đạo sự của người Cao Đài.


Hành đạo tức là sứ mạng vi nhân của chư đạo hữu, chư hiền đệ, hiền muội vậy

Đức Bác Nhã Thiền Sư

Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời 03 tháng Ba Giáp Dần (26-03-1974)


A. Hành đạo là thực hiện đạo sự

Đạo sự 1: Công quả

Công quả là cách nói của tín đồ Cao Đài. Nó được dùng để chỉ những việc làm có ích cho tập thể, cộng đồng mà không đòi hỏi một sự trả ơn nào. Từ những việc thông thường nhất như nấu bếp, dọn dẹp trong thánh sở đến những việc dùng trí não như nghiên cứu giáo lý, thuyết minh giáo lý, thảy đều nằm trong khái niệm “công quả”. Người tín đồ Cao Đài không dùng các công tác đem lợi ích cho xã hội để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Những việc thuộc công quả được thực hành như một phương tiện rèn luyện thân tâm trong quá trình tu học kể từ lúc nhập môn vào Cao Đài. Nhưng việc nhờ thực hành công quả mà được sự yêu mến của nhân sinh là cái lý “hữu xạ tự nhiên hương”.

Không đi sâu vào phân tích ý nghĩa và nội dung của công quả nhưng đối với những ai đã là tín đồ Cao Đài thì đây là đạo sự thiết yếu cho việc hành đạo, tạo nên đạo nghiệp của bản thân. Sự tu tiến của tín hữu Cao Đài đặt nền tảng trên công quả. Công quả theo cách hiểu của người Cao Đài không đơn thuần là tạo phước đức để thụ hưởng cho cuộc sống tại thế gian. Giá trị của công quả là một trong những thước đo cho sự tinh tấn trong tu học. Bản thân khái niệm công quả này cũng có nhiều cấp độ.

Xét cho tận cùng lý thì ta sẽ thấy giá trị của công quả theo cách mà Thiêng liêng đã dạy cho tín hữu Cao Đài. Công quả dù nhiều bậc, nhiều cấp, nhiều hình thái nhưng chung quy đó là quá trình xây dựng và mở đường cho đạo nghiệp của cá nhân. Điều đó có nghĩa, trên một phương diện khác, là xây dựng móng nền để tiến hóa tâm linh. Càng thực hiện công quả, móng nền tu học, con đường tiến hoá càng được mở rộng và nối dài để đến được Ngọc Kinh, sự giải thoát cao tột. Đức Mẹ đã minh xác lý đó trong đàn cơ ngày Hai mươi Sáu tháng Chạp năm Nhâm Tý (29-01-1973):

...“Có thương con mới dày công quả,

Công quả là đường đến Ngọc Kinh

Trong mối liên hệ với nhân sinh, công quả chính là việc bỏ bớt những ham muốn thường tình hầu lập vị, lập công bù trừ cho những hoạn nạn của toàn thể nhân sanh như lời dạy của đức An Hòa Thánh Nữ:

Cố gắng quả công cho vẹn toàn,

Để đền đáp nghĩa nước sông non,

Đồng bào dân tộc đang đau khổ,

Dưa muối mình đây cũng gọi ngon.1

Như thế cũng làm rõ được ý nghĩa vì sao công quả cũng là hành đạo vậy.


Đạo sự 2: Từ thiện xã hội

Làm từ thiện xã hội cũng là thực hành công quả. Chỉ có điều khi nói đến từ thiện xã hội là nói đến các công tác chung tay với chính quyền nhà nước vận động và hổ trợ các công tác xã hội như: xây dựng nhà tình nghĩa, tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo, ….Nói cách khác, đây là hình ảnh đồng hành của cơ sở tôn giáo và tổ chức xã hội trong việc làm có ích cho nhân sinh đại chúng.

Cũng như các tôn giáo khác, Cao Đài đã và đang là một bộ phận của xã hội nhân sinh, nên một trong các hoạt động đạo đức của từ thiện xã hội. Một phần là thực hành công quả, phần khác là biểu hiện cho lý tưởng đạo đời tương đắc. Đó là cái lý của một tồn tại tôn giáo như lời của

Nhà tôn giáo xây trong xã hội,

Để làm chi vậy hỡi linh căn?

Mất công bằng, tìm công bằng,

Dựng đời sống thực ở ăn trọn lành.2

Đạo sự 3: Công phu

Bên ngoài thì thực hành công quả. Bên trong thì lại lo rèn luyện thân tâm. Người Cao Đài hành đạo thì nhất định phải thực hành những việc bên ngoài, và cả những việc bên trong. Chính nhờ cái đạo bên trong được vận hành hanh thông không trắc trở mới giúp người tín đồ Cao Đài thực hiện các việc ở bên ngoài thân được suôn sẻ không vướng mắc.

Công phu của người Cao Đài thông thường thì có cúng tứ thời. Công phu trên phương diện đạo pháp thì có thực hành pháp môn theo tân pháp Cao Đài. Tất cả đều được xem là công phu. Dù rằng không phải tín hữu Cao Đài nào cũng thừa nhận vấn đề công phu, thực hành đạo pháp, song thực tế của lịch sử hình thành và phát triển của Cao Đài giáo không bao giờ thiếu phần này. Như pháp tu của vị đệ tử đầu tiên của đức Chí Tôn là Đại Tiên Ngô Minh Chiêu chứng minh điều đó. Đặc điểm rất hay trong Cao Đài giáo là có pháp môn cho tất cả tín đồ từ bực sơ cơ và tu trong hoàn cảnh bình thường của cuộc sống. Đây là một đặc trưng của Cao Đài.

Siêng lo hành đạo lập công phu,

Bất cứ người nào cũng dễ tu;

Sự sống hàng ngày chen đạo lý,

Khỏi cần thạch động với non vu.3

Đạo sự 4: Liên giao

“Hanh” là một trong bốn đức lớn của Trời theo Dịch lý. Hanh nghĩa là hanh thông, thông suốt. Học đức lớn ấy mà người Cao Đài đã tổ chức liên giao giữa các thánh sở, giữa các Hội Thánh với nhau. Vì lẽ hành đạo là làm cho hanh thông những khác biệt do ngăn cách địa lý, văn hóa, giáo dục đã tạo nên những khác biệt. Việc liên giao này nhằm tạo nên những mối liên kết tình đạo ngày một thêm đậm đà mang nhiều sự thông cảm, sẽ chia và thấu hiểu.

Công tác liên giao không làm cho sôi nổi sự hiểu biết về giáo lý, không làm tỏ rõ được lý đạo. Nhưng nhờ liên giao mà tâm đạo được nới rộng hơn quan điểm cục bộ, địa phương có phần tư kỷ. Liên giao thể hiện sự thống nhất tình đạo, nên có thể nói rằng liên giao chính là phương thức hành đạo theo đúng với Thiên lý.

Hãy đoàn kết sắp tuồng đạo đức,

Hoạt động trong lãnh vực tình thương,

Nhẫn kiên, hòa ái, khiêm nhường,

Hễ người đức độ muôn đường vinh quang.4

Đạo sự 5: Học hiểu giáo lý

Cơ sở của việc hành đạo là khả năng hiểu giáo lý do các đấng Thiêng liêng giáng dạy trong nhiều năm khai đạo. Không có cơ sở giáo lý thì mọi hành động chỉ là việc “làm theo” thời thế mà không thấy được sứ mạng trọng đại của Cao Đài trong thời kỳ thứ ba này. Học hiểu giáo lý làm đường hướng đúng đắn người tín hữu Cao Đài vén màn vô minh loại trừ chướng ngại trên đường hành đạo. Mỗi cá nhân tín hữu Cao Đài hễ vào đạo phải xem việc học hiểu giáo lý là đường lối hành đạo cho cuộc sống thường nhật có giá trị tâm linh.

Tu phải học hiểu qua giáo lý,

Giáo lý là kim chỉ hướng Nam,

Cho con nhập Thánh siêu phàm,

Khỏi vòng luân chuyển con tằm nhộng tơ.5

Đạo sự 6: Trao đổi giáo lý

Học giáo lý là tự thân giác ngộ. Trao đổi giáo lý là tìm thấy chơn lý của Thầy trong các anh em cùng học đạo. Không có việc cá nhân, hay tổ chức nào sở hữu giáo lý, chơn lý. Chỉ có những cá nhân, tổ chức tôn giáo có học nhiều, học có bài bản lời dạy của Thầy Mẹ và các đấng thiêng liêng. Một đặc điểm của Cao Đài giáo là mỗi một Hội Thánh, Cơ Quan đạo có thể được giảng dạy những bài học riêng để phù hợp với trình độ tu học của mỗi nơi. Nhưng tựu trung tất cả phải là một hệ thống nhất quán, dù rằng cho đến thời điểm này điều đó không được chứng minh một cách cụ thể. Tuy nhiên, đã gọi là hành đạo thì việc trao đổi giáo lý có tổ chức là hành đạo mang đầy đủ đặc trưng của Cao Đài giáo. Bởi thế cho nên các thánh sở Cao Đài không chỉ là nơi thờ phượng, cúng bái, thiền định. Thánh thất, thánh tịnh, cơ quan đạo phải làm chức năng là giáo đường dạy đạo lý, Thánh ngôn, Thánh giáo mới làm tròn trách vụ giáo hóa nhơn sanh như lời dạy của đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt: “Tịnh thất là một phương tiện giáo hóa nhơn sanh ở từng địa phương và cũng là nguồn lạch của tòa thánh, hội thánh”.

Trong những năm gần đây, việc các Hội Thánh trong Cao Đài đang tuần tự xây dựng các nội dung giáo lý cho toàn đạo là hình ảnh cụ thể của việc hành đạo trên phương diện trao đổi giáo lý. Với quy mô nhỏ hơn, ba đơn vị gồm Hội Thánh Truyền Giáo, Hội Thánh Minh Lý và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo đã liên tục hiệp lực trợ tác cho nhau mở các lớp học, thảo luận kinh Dịch, hội thảo chuyên đề giáo lý. Đó chính là hành đạo trên phương diện trao đổi giáo lý.

Đạo sự 7: Công trình

Đây không phải là một đạo sự cụ thể. Đây chỉ mang tính chất tổng hợp để xem xét sự viên mãn, hoàn toàn và nhất quán của các công tác đạo sự trên. Tất cả những đạo sự trên diễn ra thường xuyên và phản ánh đúng tinh thần Cao Đài thì điểm số công trình này càng cao. Nhưng nếu diễn ra thường xuyên mà lại phản ánh màu sắc tư lợi, cơ hội, mượn danh nghĩa việc tốt để yêu cầu quyền lợi riêng tư thì điểm số công trình này sẽ không cao. Đó chính là tinh thần hành đạo của người Cao Đài.

Công trình là sự thể hiện đức tính trì thủ vì đạo nghiệp. Đó là một quá trình tích lũy âm chất từ lúc giác ngộ đạo lý đến ngày trả lại cho tứ đại xác thân đã vay mượn.

Như vậy có thể tạm thấy “hành đạo” có một ý nghĩa rất phổ quát bao hành nhiều ý nghĩa đạo lý. Tạm mượn lời dạy của đức Quan Thế Âm để có cái nhìn khái quát về một quá trình “hành đạo”

Học đạo muốn thông đạt lý truyền,

Dặn lòng chớ vọng ý tư riêng,

Đạo trong trời đất, trong muôn vật,

Đạo cũng ta người, cũng Phật Tiên.

Hành đạo làm người cho xứng đáng,

Học cơ mầu nhiệm phải cần chuyên,

Chưa nên, nên tựa nương ơn Thánh,

Thánh tự tâm linh, Thánh mặc truyền.6


B. Phương thức hành đạo

Dù đã có nói ở trên về phương thức hành đạo trong mỗi hình thức đạo sự, thiết nghĩ cũng nên nói rõ hơn hầu làm cụ thể hơn cách thực hành. Trong bài viết này, phương thức “hành đạo” được xem xét trên hai phương diện, đạo lý và nhân sinh.

Trên phương diện đạo lý: tức xem xét nguồn cội và căn cơ của việc “hành đạo”

Căn nguyên của hành đạo nằm trong Tình Thương. Các đạo sự được thực hiện bởi người Cao Đài xuất phát từ ý nghĩa cao thâm của Tình Thương Vô Ngã. Đó không phải là tình cảm mong manh trong cuộc sống giữa những con người với nhau. Tình Thương ở đây chính là sự trực nhận giá trị tâm linh về cuộc đời thực sự, con đường thực sự của một kiếp nhân sinh. Tình Thương ở đây chính là sự rung động của lương tri trong thể cách con người trở về nguồn cội thiêng liêng. Tình cảm sâu sắc này chỉ có được nhờ sự giác ngộ, hiểu biết về lẽ Một của trời đất. Bởi thế, Tình Thương vừa là động lực thúc đẩy người Cao Đài hành đạo, cũng vừa là điểm đến tâm linh cho những ai hành đạo thuần chơn.

Động lực của hành đạo là đức tin: Cùng với Tình Thương, đức tin là cơ sở của mọi đạo sự lớn hay nhỏ. Đức tin chính là sự hiểu biết được bồi dày dặn hơn trong quá trình tu học và hành đạo. Đức tin chính là sự trưởng thành hơn trong hành đạo, thực hiện vai trò, trọng trách của mỗi người tín đồ Cao Đài. Đức tin là sự thể hiện ra bên ngoài trong mỗi hành vi, lời nói và suy nghĩ của người Cao Đài. Không có đức tin thì không có hành động đúng đắn, đúng lý.

Ba điều không của người hành đạo: vô công, vô kỷ và vô cầu. Đây là hệ quả của động lực Tình Thương. Khi hành đạo, thực hiện bất cứ đạo sự nào đi nữa, người tín hữu Cao Đài đều lấy ba điều này là phương châm hành xử. Thực hiện ba điều không này chẳng phải là việc dễ dàng. Sự thành thục của mỗi cá nhân thể hiện tâm đạo và sự hiểu biết đã đạt gần tới điểm ranh giới của phàm nhân và thánh triết. Ngoài ra, Tâm hành đạo của người Cao Đài còn có phương châm “Thuần Chơn Vô Ngã” hay “Thuần Túy Đạo Đức”, nghĩa là làm việc đúng đạo, hợp nhân sinh; không làm chính trị, đảng phái; hoặc tư lợi.

Trên phương diện nhân sinh: tức là xem xét “hành đạo” trong thực tế hoạt động của con người thế gian

Lập kế hoạch, lên công tác tổ chức một cách rõ ràng. Bất cứ một công tác hành đạo nào cũng cần được tổ chức và lên kế hoạch một cách cụ thể. Lý do trước hết là do mỗi tín hữu Cao Đài có nhiều vai trò trong cuộc sống từ gia đình, cộng đồng, xã hội, tổ chức tôn giáo. Thứ nữa, mỗi đạo sự luôn đòi hỏi sự thành tâm, đầu tư thời gian và công sức cho thật hiệu quả.

Đôi khi cũng có quan niệm cho rằng cứ tùy thích mà tham gia công quả. Đó không hẳn là thực hành công quả. Việc không có kế hoạch để tham gia vào đạo sự công quả thường gây ra những tác hại như không có đủ thời gian tham gia công quả, không thể cùng tổ chức thực hiện một công quả có quy mô lớn, thiếu hụt nhân sự do tổ chức kém,....Do đó, hành đạo là một công tác đòi hỏi phải có óc tổ chức, khả năng lên kế hoạch một cách cụ thể cho cả cá nhân và tập thể.

Nguyên tắc hiệp tác hòa ái. Nhân sinh thường nhiều ý, nhiều quan điểm. Nên phải dựa trên nguyên tắc tôn trọng và hòa ái trong hiệp tác hành đạo. Mỗi đạo sự cần có nhiều bàn tay chung nhau thực hiện thì càng phải có chủ trương hòa ái, tôn trọng làm nền tảng của sự thống nhất tinh thần.

Minh bạch trong phận sự. Công tác nhân sự là một công tác nhiều khó khăn cho cả tổ chức đời và tổ chức tôn giáo. Trong hoạt động tôn giáo lại càng khó hơn gấp bội vì nó dựa trên nguyên tắc tự giác và bình đẳng rất cao. Sự minh bạch trong phận sự không phải là rào cản cho sự tương trợ, tương thân. Nó lại không thể là cơ sở phân định cao thấp. Nó phải là giới hạn trách phận mà mỗi người cần phải thực hiện trọn vẹn, và chỉ nên có nghĩa đó mà thôi.


Nói tóm lại, con người ai cũng sinh sống giữa trần gian vô thường này. Nhưng sống đúng nghĩa là sự sống phù hợp với quy luật tạo hóa của vũ trụ thiêng liêng. Tu hành chính là phương cách sống phù hợp thiên lý đó, mà hành đạo là sự thể hiện ra bên ngoài cái tính hợp lý, thống nhất giữa con người với thiên lý. Do vậy, hành đạo chính là sống đúng đạo lý, phù hợp với nhân văn. Trên phương diện văn hóa, thì hành đạo tức là nét đặc trưng của người đạo Cao Đài. Tạm mượn lời dạy của đức Quan Thế Âm để kết lại những suy nghĩ về hai chữ “hành đạo”


Vì đời hành đạo giúp nhơn gian,

Cho kẻ đi sau bước một đàng,

Bác ái, tình thương nêu trước hết,

Của người môn đệ thọ Tiên ban.7


1Đức An Hòa Thánh Nữ, Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, Ngọ thời, Mười Bốn tháng Năm, Mậu Thân (09-06-1968)

2Đức Hồng Cúc Tiên Nương, Thánh thất Nam Thành, Tuất thời, Rằm tháng Hai Kỷ Dậu (01-04-1969)

3Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Ngọc Minh Đài, Tuất thời Rằm tháng Giêng, Kỷ Dậu (03-03-1969)

4Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Thiên Lý Đàn, Tuất thời Ba Mươi tháng Hai Ất Tỵ (01-04-1965)

5 Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thánh tịnh Kim Thành Long, Tý thời đêm Mười Bảy rạng Mười Tám tháng Hai, Quý Sửu (22-03-1973)

6Đức Quan Thế Âm, Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), Tuất thời Hai mươi Tám tháng Bảy, Giáp Dần (14-09-1974)

7 Đức Quan Âm Bồ Tát, Thánh thất Bình Hòa, Tuất thời, Rằm tháng Chín, Đinh Mùi (18-10-1967)

No comments:

Post a Comment