“Muối bỏ bể” là một câu thành ngữ của dân tộc Việt. Dù là một thành ngữ xa xưa nhưng cho đến hiện nay, khi mà văn chương và đối thoại vẫn còn dùng đến mà không cần phải tra bất cứ loại từ điển thành ngữ nào cũng có thể hiểu được nó. Tuy vậy, vẫn thấy một sự cần thiết để viết lại những suy nghĩ, những hiểu biết về câu thành ngữ này trong mối liên hệ với công việc hiện tại, nghiên cứu giáo lý Cao Đài. Mục đích sau cùng là giúp cho bản thân có một cái nhìn rõ ràng hơn về trọng trách của công tác nghiên cứu, đồng thời làm cụ thể hơn về con đường nghiên cứu giáo lý này.
Từ ngày Cao Đài giáo chính thức được thành lập trên đất Việt Nam cho đến nay, trải hơn 80 năm ròng rã, đã có nhiều bậc tiền nhân minh triết đã có công biên soạn, viết ra những quyển sách liên quan đến giáo lý Cao Đài, giáo lý Đại Đạo. Những quyển sách đó cũng đã được phổ biến trong đạo hữu và nhân sanh cả nước hầu làm sáng tỏ đạo lý kỳ ba cho nhân sanh được hiểu. Ngày nay, nhìn lại công nghiệp đó từ con mắt của hậu bối thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng. Song đối với sứ mạng của Đại Đạo dường như hãy còn chưa đủ. Bởi thế đức Lý Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo đã dạy như sau: "Này chư hiền, trước hết Bần Đạo nói về giáo lý. Đó là điểm quan trọng bậc nhất cho tiền đồ Đại Đạo. Mặc dầu mấy mươi năm qua, Cơ Quan cũng như các chi phái khác đã cố gắng phát huy biểu dương sâu rộng. Nhưng khách quan mà xét, thật là như muối bỏ bể, chưa thấm vào đâu, vì trong hàng hướng đạo có mấy ai thấu triệt và quan niệm đúng đắn. Đó là chưa kể đến những quan điểm mâu thuẫn nhau. Còn nhân sanh thì giàu nhiệt tình tin tưởng, nhưng thiếu một sự nhận thức cơ bản đúng đắn, nên gây ra hoang mang mơ hồ."
Như vậy, qua lời dạy trên, tôi tự hiểu rằng, nghiên cứu và truyền bá giáo lý là một công việc có tầm mức “quan trọng bậc nhất” so với các hoạt động tu học và hành đạo khác. Không phải đi sâu và phân tích tính quan trọng này, vì dù sao đi nữa điều mà chúng ta cần xác định lúc này là phương hướng của công tác nghiên cứu, hoạt động cơ bản nhất.
Tính từ thời điểm Cao Đài giáo ra đời đến hơn 55 năm sau đó, đức Lý đã công nhận công tác nghiên cứu giáo lý của Cơ Quan và các chi phái Cao Đài anh em đã có nhiều “cố gắng phát huy” và “biểu dương sâu rộng”. Trong nhận xét này của đức Lý, chúng ta hiểu giáo lý được đề cập ở đây là phần kinh văn ngoài Thánh ngôn, Thánh giáo là lời dạy của Ơn Trên. Giáo lý, hay nghiên cứu giáo lý ở đây chính là công trình kết tập, biên soạn và khảo cứu của các vị tiền bối trong Cao Đài giáo. Tạm phân loại các công trình của tiền nhân các loại như sau1:
A. Nhóm các bài thuyết đạo
Các bài thuyết đạo của đức Hộ Pháp
Các bài thuyết đạo của đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang
Các rất rất nhiều bài thuyết minh giáo lý, thuyết đạo của các thánh sở Cao Đài.
B. Nhóm các sách khảo cứu giáo lý - sử đạo
Chơn Lý, Nguyễn Trung Hậu, năm xuất bản 1928
Đại Đạo Căn Nguyên, Nguyễn Trung Hậu (tự Thuần Đức), năm xuất bản 1930
Đạo Mạch Tri Nguyên, Huệ Chương, năm xuất bản 1930
Đạo Thống Chơn Truyền, Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt, năm xuất bản 1934
Lịch Sử và Triết Lý của Đạo Cao Đài, Gabriel Gobron, năm xuất bản 1949
Thiên Đạo, Nguyễn Trung Hậu, Phan Trường Mạnh, năm xuất bản 1954
Giảng Đạo Chơn Ngôn, Thái Đến Thanh, năm xuất bản 1957
Trên Đường Tấn Hóa, Tiếp Pháp Trương Văn Tràng, năm xuất bản 1963
Hội Lý Xiển Chơn Luận, Nguyễn Văn Kinh, năm xuất bản [không rõ]
Đại Đạo Giáo Lý và Triết Lý, Hiền tài Trần Văn Rạng, năm xuất bản 1974
...và rất nhiều quyển sách khác nữa.
C. Nhóm các bài giảng giáo lý hạnh đường: [không thể thống kê]
Tạm đưa ra những ý kiến sau để hình dung rõ bức tranh của việc nghiên cứu, triển khai giáo lý thời trước:
Nội dung của các sách vở kinh văn thời trước (1985) cũng tập trung vào các chủ điểm:
Sử đạo:
Lý luận đạo học: luận về Đạo, chơn lý,...
Khuyến tu
Phương pháp chủ yếu được dùng trong các sách vở kinh văn thời trước (1985)
Dựa vào giáo lý Tam giáo để giải thích các điểm giáo lý Cao Đài
Phân tích về các trọng điểm giáo lý.
Tạm xét qua công nghiệp to lớn của tiền nhân cũng đủ thấy chất “muối” mặn nồng đã có, nhất định là có. Nhưng trong hình thể to lớn đó vẫn thiếu yếu tố nào đó khiến cho nó “chẳng thấm vào đâu”, nghĩa là vẫn không đủ, có thể là so với nhu cầu học hiểu đạo lý của nhân sanh hoặc kỳ vọng của Thiêng liêng đã đặt để. Yếu tố đó là gì?
Có thể cho rằng yếu tố đó chính là chiều sâu và chiều rộng của nền giáo lý Đại Đạo. Đức Lý dạy “có mấy ai thấu triệt và quan niệm đúng đắn”. Trong đó, “thấu triệt” chính là cái hiểu đi sâu vào bên trong đạo lý, nhận thức được cái tinh túy tinh ròng của giáo lý Tam Giáo, vạn giáo; và “quan niệm đúng đắn” chính là tầm nhìn trên phương diện bao quát của chơn lý. Chính vì yếu tố này chưa được vận dụng trong quá trình xiển dương giáo lý nên giá trị của việc làm tuy là đã đúng chất thế nên lại chưa được sâu đúng mức, rộng đúng tầm. Thiết nghĩ, nếu đây là sự thật thì sự thật này nằm ở hoàn cảnh lịch sử còn ở trong giai đoạn sơ khai của tri thức con người về nền tân giáo lý thời đại mới, chứ không hoàn toàn bởi lỗi lầm chi của con người cả. Vả lại, sự thiếu vắng yếu tố sâu - rộng này không diễn ra trong cuộc khảo cứu, biên soạn sách vở kinh văn của chư vị tiền bối, mà có lẽ cũng đã diễn ra trên phương diện hành chánh đạo. Khi việc phân chia phi phái đã trở thành nỗi lo lắng về tiền đồ Đại Đạo của chư vị hướng đạo việc cố gắng bảo thủ chơn pháp bằng mọi phương pháp đã khiến cho sự đố kỵ, đối kháng giữa các chi phái càng trở nên trầm trọng. Ảnh hưởng của việc đó là sách vở, kinh văn cũng đã bị kìm giữ để rồi sự truyền bá tư tưởng bị rơi vào trong hoàn cảnh không thể đi sâu và rộng trong mọi giới nhân sinh.
Ngày nay, tri thức của con người cũng phát triển đáng kể. Khoa học nhân văn trên thế giới cũng đã phát triển rất nhiều (nếu so với tri thức của cộng đồng Cao Đài). Tư duy của con người cũng có những thay đổi theo hướng cụ thể và có cấu trúc hơn. Nói cách khác, con người trong thời đại mới sẽ sâu sắc hơn bằng cái nhìn rất khác về chân lý, và như vậy cũng rất khác đối với giáo lý. Trong khi đó, các sách vở và kinh văn của chư tiền bối đa phần dựa trên nền tảng của đức tin tự có trong thân và niềm tin của một bộ phận quần chúng. Do vậy, luận lý trong các tác phẩm thời trước có phần giản lược. Ngày nay, trong chiều hướng mới, giáo lý cần được nâng lên một cấp nữa để phù hợp với tư duy của phần đông nhân sanh. Cấp độ mới đó được đức Lý dạy như sau: “Các em cần phải nâng cao tầm mức giáo lý cho có triết học, khoa học, văn học để tăng thêm tính chất hấp dẫn và phổ biến.” và “Chư thiên ân đệ muội hãy làm thế nào cho giáo lý Đạo có một căn bản lý luận vững chắc, khoa học; và khai triển sâu rộng mọi mặt; giải đáp các vấn đề then chốt của triết lý siêu hình hiện đại khoa học v.v...”. Sự nâng cấp này không phải là nâng cấp về nội dung giáo lý, mà chính xác là cải tiến về phương thức truyền tải giáo lý đến mọi ngõ ngách của nhân sinh.
Một điểm khác từ cái nhìn về chiều kích sâu - rộng của quá khứ, ta cũng có thể nhận định rằng việc truyền bá giáo lý ngày trước vì tập trung khá nhiều vào các luận lý cao siêu thuộc cõi vô hình khiến cho những vấn đề thiết thực căn bản cho nhận thức của đa số nhân sanh đã không được triển khai đúng mực. Việc này, ít nhiều cũng tạo nên hoàn cảnh thừa chất cao thâm, thiếu chất vừa tầm nhận thức của con người đương thời. Các yếu tố căn bản như nghi lễ, ý nghĩa của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Pháp Chánh Truyền, nền tổ chức Đại Đạo,....chưa được phân tích, lý luận triệt để cho tương ứng với mọi tầng lớp nhân sinh không bị giới hạn bởi tính địa phương, chi phái.
Ngày nay, cũng có nhiều phong trào nghiên cứu và truyền bá giáo lý. Cũng có phong trào vận dụng lời dạy của đức Giáo Tông Vô Vi một cách mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ đó thể hiện ở phong cách vượt qua và vượt lên trên cái thường tình để khoác vào một chiếc áo phân tích có tính cấu trúc rất chi li. Tuy nhiên, bản thân chưa cảm nhận được hai yếu tố “thấu triệt” và “quan niệm đúng đắn” được thể hiện cụ thể vì lẽ tính chất “muối bỏ biển” vẫn còn y nguyên trạng thái. Có điều không hiểu vì sao nó được đặt tên “Đại Đạo” một cách sớm đến như vậy!
Như vậy với những suy nghĩ nêu trên, có thể tạm rút ra những bài học từ thành ngữ “muối bỏ bể” của đức Lý Giáo Tông thành như sau:
Việc biên soạn, nghiên cứu giáo lý từ trước đủ về tư chất, nhưng chưa đủ số lượng. Các quyển sách viết ra chứng tỏ được sở học của chư tiền bối. Tuy vậy, so với đạo lý bao la, nhu cầu to lớn của nhân sinh thì vẫn chưa thỏa mãn được. Do vậy, không gì khác hơn, thế hệ tiếp nối phải có được cái tư chất, tâm thức phải thấm nhập được đạo lý tinh vi, huyền nhiệm, tri thức phải sâu rộng để tiếp tục cái chất của tiền nhân. Không ngừng ở đó, chúng ta cần phải tăng cường công suất trong việc nghiên cứu, khảo cứu giáo lý sản xuất ra nhiều công trình hơn để giải thích mọi mặt của đạo lý, đáp ứng nhiều đối tượng nhân sanh hơn.
Việc biên soạn, nghiên cứu giáo lý tuy nói là đủ về chất, nhưng là chất theo chiều kích cao của nó. Vẫn còn một không gian rộng lớn để tiếp tục cái chất theo chiều kích sâu và rộng nữa. Có thể phong trào nghiên cứu theo lối phân tích chi li đang làm theo cách này. Tuy nhiên, phương pháp phân tích đơn thuần đang thách thức tính toàn thể của giáo lý Cao Đài, chứ chưa nói đến giáo lý Đại Đạo.
Việc nghiên cứu và truyền bá giáo lý Cao Đài cần phải vượt qua biên giới của chi phái, tư tưởng địa phương cục bộ. Vì lẽ, giáo lý Cao Đài là một cấu trúc hoàn chỉnh dù xuất phát từ một hệ phái nào đi nữa. Hệ thống cấu trúc của giáo lý Cao Đài cần được xác định trước hết,vì đó là nền tảng cho sự quy hiệp tinh thần của những dị biệt, phân chia của quá khứ. Từ đó, tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh của giáo lý Cao Đài.
Khi đã có một hiện tượng, một thực thể giáo lý Cao Đài cụ thể, giáo lý Đại Đạo là bước tiếp theo để dung hợp mọi dị biệt do văn hóa, tư tưởng, niềm tin. Theo dự phóng của quan điểm cá nhân, giáo lý Đại Đạo là một hệ thống các quan điểm giáo lý của Tam giáo đạo. Mà ngay cả xác định hệ thống Tam giáo đạo vẫn còn là một quan điểm vừa có, vừa không.
Trên nguyên tắc kế thừa và phát triển thì “muối bỏ biển” lại càng thấy rõ ràng hơn. Sau một thế hệ, một loạt công trình được công bố, truyền bá thì mọi việc ngưng đọng lại đó. Mỗi một thế hệ lại có cách đi riêng và gần như không được xây dựng, kế thừa từ các quan điểm, công trình trước đó. Nếu có chỉ là sự tạm mượn mà thôi. Hoàn toàn không có nhận xét, đánh giá các biên soạn, khảo cứu trước đó. Nguy hiểm hơn hết là thế hệ sau lại có thể diễn dịch từ muối bỏ bể thành ra chưa đạt giá trị đích thực.
Cuối cùng, các ý tưởng dù lớn hay nhỏ, dù thành văn hay bất thành văn cho rằng sách vở kinh văn từ trước vì gắn liền với thành ngữ “muối bỏ bể” này mà trở thành ra không còn ý nghĩa nữa đối với hậu học về sau là không hợp lý. Để nó tồn tại vì lý do phát triển chơn pháp nhất thời là bảo tồn một biến dị của di truyền trong thánh thể của chân lý.
Thanh Long
11/2010
1Đối với các công trình nghiên cứu, khảo cứu của CQ.PTGLĐĐ từ trước đến năm 1985 không thể thống kê vì không có nguồn thông tin.
No comments:
Post a Comment