Friday, April 8, 2011

4877

Đây không phải là số điện thoại khẩn cấp. Đây cũng không là con số có giá trị hữu dụng để dùng được như chính những con số đang là. Đây là lý của số! Tức là mượn số để bộc bạch về cái lý đầu năm Tân Mão.

Bốn là gì? Trong bảng danh sách phân công các phái đoàn đi chúc tết các thánh sở anh em trong tôn giáo Cao Đài, có một nhóm được đánh số 4. Mà 4 là số tượng cho sự cân đối của không gian. Rằng vì trời có 4 phương mà!

Tám là chi? Tám ấy là cơ vận động của vũ trụ...Đừng cho rằng đó là suy tưởng thái quá! Bát Quái nếu không là sự cơ nguyên vận động của vũ trụ thì còn có nghĩa gì khác chăng? Do đó, nói đến số tám phải nói đến sự vận động không ngừng...Tuy nhiên, số 8 ở đây còn có nghĩa là số lượng nhân sự của phái đoàn ngoại giao số 4. Vậy có 8 người trong nhóm số 4. Suy ra lý có nghĩa là có một sự vận động trong khoảng không gian thanh bình của những ngày đầu năm Tân Mão!

Bảy tượng trưng cho lý gì? Trước hết 7 là đơn vị số lượng dùng để cân đong đo đếm. Ở đây là 7 nơi mà phái đoàn số 4 gồm 8 người đã viếng thăm và chúc Tết đầu năm. Nghĩ cho kỹ thì chẳng nên thêm vào lý gì cho rối rắm thêm cái đoạn này.

Vậy bảy nữa có lý chăng? Đương nhiên phải có chứ. Cái số 7 đầu không có là nhường cho cái 7 sau đấy thôi. Bảy trong âm Hán Việt là thất. Cái lý chổ này của số 7 không phải là số lượng, hay số đếm chi hết. Nó có nghĩa là thất. Mà thất ở đây là thánh thất chứ không phải có nghĩa là nhà như thông thường ai cũng biết. Mà thánh thất là danh từ chung để gọi các thánh sở Cao Đài. Có lẽ một vài người sẽ hỏi vậy đến thánh tịnh thì có tính không? Chắc chắn là có? Nếu có thì gọi là chi? Một vài câu hỏi cắc cớ sẽ được nêu ra như thế! Không sao, có thế mới có suy nghĩ cho tường tận. “thánh thất” như là một danh từ chung là dùng để chỉ phần lớn thánh sở, ngôi thờ tự của người Cao Đài. Còn như hai khái niệm “thánh thất”, “thánh tịnh” là 2 danh từ chung chức năng dùng để phân biệt rõ chức năng của từng ngôi thờ tự, thánh sở đó vậy! Nếu đã nói đến danh từ chung chức năng thì phải nói đến “điện thờ Phật Mẫu” và “Tòa thánh” nữa thì chắc là đủ. Tản mạn về Tiếng Việt thực hành trong Cao Đài giáo như thế là tạm đủ.

Như vậy, con số 4877 bình thường đến tầm thường kia bây giờ có một cái lý vô cùng khác thường. Sự khác thường nằm trong ý nghĩa như sau: trong những ngày đầu năm thanh bình, thanh tao và êm đềm cả có 8 nhân tố vận động liên tục trong cái không gian đằm thắm ấy để kết nối tinh thần liên giao, sự thông suốt của tình thân đến 7 thánh thất (7) Cao Đài. Đó là ý nghĩa cao cả là lý của số 4877!

Đến đó cũng chưa hết lý. Vẫn còn một cái lý ẩn tàng mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi và nhận ra mà thôi. Nghe nói những năm trước đây, các chuyến của nhóm số 4 này chỉ có phần “âm”, ý là chỉ có giới nữ tham dự mà thôi. Riêng năm nay, đã xuất hiện một điểm “dương” tức là có nam giới tham gia. Tuy là “cô dương” nhưng đã đánh dấu một sự đổi mới, mạnh mẽ, tươi sáng, thông suốt... nói chung là vạn sự phát khởi, đắc cát! Đó là lý của dương chứ không phải tại có nam mà nói thế, mong mọi người hiểu thấu cho ý này! Vậy ra năm ngoái là Canh, năm nay là Tân. Cộng hai năm là Canh Tân, nên đạo sự có nhiều khác lạ, khác biệt và có thể khác xa với mọi năm khác trước đó.

Như vậy, con số 4877 đã được hình thành và mang mặc vào nó những ý nghĩa đó vào ngày 03/02/2011, tức ngày mùng Một tháng Giêng năm Tân Mão. Theo nét văn hóa Tết của người Cao Đài, dịp đầu năm cũng là lúc dành thời gian để lau mờ bụi trần gian bám trên sợi dây liên kết tình thân đồng đạo. Năm nay, có thảy 5 phái đoàn đi chúc Tết khoảng 36 thất Cao Đài trong ngày đầu năm. Riêng tôi, được vịnh hạnh tham gia phái đoàn số 4 để làm nên “kỳ tích 4877+”. Để tiện theo dõi từng bước chân của chúng tôi, bây giờ là những khoảng khắc quý giá của “đa âm, cô dương” được ghi lại một cách vừa đủ để gợi hình ảnh đáng giá của ngày mùng Một Tết năm Tân Mão.

Căn theo địa lý mà đo xa gần, vào lúc 9 giờ sáng, chúng tôi quyết định khởi hành và đi đến Thánh tịnh Tân Minh Quang trước hết. Đảnh lễ Thầy Mẹ xong, chúng tôi được thết đãi bữa điểm tâm mang đậm chất xuân! Xong phần “thực” là tiếp phần “đạo”. Chúng tôi đến chúc Tết đại diện Ban Cai Quản của Thánh tịnh. Riêng tôi rất mong sẽ nhìn thấy những giá trị chơn chánh sớm được phục hồi như ngày xưa.

Rời Thánh tịnh Tân Minh Quang, phái đoàn chúng tôi lên Bồng Lai! À, mà phải nói là Thánh tịnh Bồng Lai, thuộc Hội Thánh Tiên Thiên thì mới hiểu chính xác. Nếu không thì có lẽ, một vài suy nghĩ sẽ cho rằng chúng tôi “lên trển” thì chưa đúng lắm! Phải thưa trước rằng những năm gần đây, Thánh tịnh Bồng Lai đã thay đổi nhiều hơn trước. Không còn um tùm cây cối, ngôi tam đài rạng rỡ hơn, hoa đã nhiều hơn cỏ, chánh môn mới xây rất đẹp. Đến nơi, vẫn hương vị trà mứt và tình thân rất thắm thiết. Mà hình như nhờ “một cái máy phát thanh không có nút tắt” nên không khí của những phút giây thân ái trở nên gần gũi và vui vẻ.

Sau khi lên đến Bồng Lai, chúng tôi trở lại đường lộ để đến một thánh tịnh khác, Thánh tịnh Ngọc Chiếu, thuộc Hội Thánh Tiên Thiên. Vẫn là những câu chuyện hỏi han đầu năm, là trà mứt, là cười nói và chúc tụng. Cái đặc biệt của thời gian ở Ngọc Chiếu là chúng tôi được đãi ăn cơm tấm trong lúc mà bụng hãy còn no nóc bởi bánh tét và món bún gì gì đó ở Tân Minh Quang. Phải công nhận năng suất mấy ngày Tết có cải thiện rõ rệt một cách không ngờ. Được mời thì chỉ biết nhận để giữ cái lễ. Mà đã giữ lễ thì phải thật lòng. Nên dường như dĩa cơm tấm nào cũng “trọn vẹn”....tới hột tấm cuối cùng!

Phải công nhận rằng các thánh tịnh của Hội Thánh Tiên Thiên bao giờ cũng có những cái tên mỹ miều. Chúc Tết xong ở Ngọc Chiếu, chúng tôi lại lên xe thẳng tiến đến Thánh tịnh Như Ý Linh Thần Đài. Lại là một cái tên đẹp! Ngôi thánh tịnh đã vương nét thời gian một cách rõ rệt. Có một cái gì đó thật trầm lắng! Dẫu xuân trần vẫn còn nhiều tươi tắn, nhưng cái văng vắng của không gian cũng làm hơi chùng lại cái nét xuân xanh. Với tôi thì đây là lần đầu tiên được đến thánh tịnh. Vẻ đơn sơ cùng với những tình cảm mộc mạc làm nên tính chất đơn giản. Nơi đây là nơi tịnh tứ thời thì chắc là tốt lắm đây!

Chào quý huynh tỷ Ban Cai Quản Thánh tịnh Như Ý Linh Thần Đài xong, chúng tôi đến Thiên Đạo Học Đường Liên Hoa Cửu Cung. Nơi đây hương xuân rất nhiều. Từ cảnh vật, vườn hoa bên ngoài đến các phái đoàn đời có, đạo có viếng thăm chúc Tết khá đông. Chờ một lúc, quý Ban Cai Quản mới tiễn xong một phái đoàn khác đến trước đó để tiếp tục đón chúng tôi. Cũng nhờ chúng tôi đảnh lễ tại Chánh Điện và bên điện thờ đức Mẹ nên thời gian chờ của chúng tôi không quá dài. Vài câu hỏi thăm thân mật, thêm vị trà, bánh, và chúc Tết đầu năm, chúng tôi lại được giữ chân bằng món bánh tét ngon thiệt ngon. Ngon đến nỗi dù trước đó vài phút, tôi có ý chẳng muốn ăn, thì chỉ sau khi nếm khoanh bánh đầu tiên tôi đã phải “hạ nhiệt tâm” xuống để làm luôn 5, 6 khoanh nữa!!!

Hành trình tiếp tục dẫn chúng tôi đến Điện Thờ Phật Mẫu Linh Xuân, của Thánh thất Long Vân. Lúc chúng tôi đến nơi là đúng giờ Ngọ, nên mọi người đang tiến hành lễ cúng Ngọ. Không có dịp vào lễ đức Mẹ, nên chúng tôi chúc Tết đạo tỷ đại diện thánh sở và tiếp tục lên đường.

Chúng tôi lại lên xe đến thăm Thánh thất Long Vân, thuộc Hội Thánh Tây Ninh. Nơi đây, chúng tôi được hiền huynh Thiện Cảnh tiếp đón rất nồng hậu. Tuy không trà, không mứt, vẫn nhiều cái vui. Vì lẽ, hiền huynh đã kể rất nhiều câu chuyện hành đạo mà bản thân huynh và bổn đạo tại thánh thất đã thực hiện. Chuyện tiếp chuyện cứ tuôn ra từng nhịp cũng làm chúng tôi phần nào cảm nhận được tinh thần vì Thầy, vì Đạo của chư đạo hữu nơi đây. Nhiệm vụ của phái đoàn số 4 đã đóng lại khi chúng tôi thăm viếng và chúc Tết quý Ban Cai Quản tại Thánh thất Long Vân.

Chuyến đi đã kết thúc vào lúc 2 giờ 30 phút tại Bửu Điện Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo trong sự trọn vẹn và ý nghĩa nhất của nó. Tất cả thành viên trong đoàn đều xuất phát cùng nhau và trở về nơi xuất phát với nhau. Không ai trong chúng tôi tự ý tách đoàn vì việc riêng. Không ai xem chuyến đi là cuộc du hí với mục đích tìm vui trong cảnh xuân. Dường như mọi người cùng sắp xếp cho một niềm vui duy nhất cho tâm đạo, cho tâm xuân và cho tình thân đồng đạo.

Một ngày đầu năm có ý nghĩa. Mong rằng ý nghĩa cao đẹp sẽ theo và luôn ở cùng với quý đạo huynh, đạo tỷ trong cả năm Tân Mão.

Viết cho ngày đầu năm Tân Mão
Độc Dương Nhân

(Bài viết đăng trên blog phải gỡ hình minh họa)

No comments:

Post a Comment