Sunday, November 21, 2010

RẰM THÁNG MƯỜI NĂM CANH DẦN

Ý nghĩa của ngày rằm tháng Mười từ lâu đã là sự tự hào và hãnh diện của mỗi người tín hữu Cao Đài. Hơn tám mươi (80) năm hình thành và phát triển cơ giáo đạo, mỗi lần thời gian điểm thời khắc tháng Mười là mỗi lần tâm trạng của tất cả huynh tỷ đệ muội lại mang những kỷ niệm uy hùng về quá khứ đã qua và về một tương lai rạng rỡ phía trước. Bài viết hôm nay sẽ là dòng cảm xúc trong mùa Khai Minh Đại Đạo Canh Dần được gói gọn trong một không gian vừa phải của một tập thể con cái của đức Chí Tôn đang ngày ngày, tháng tháng miệt mài hành đạo theo Thánh ý của Thiêng liêng.

Một buổi sáng trời nắng tốt, thời tiết có phần nhã nhặn hơn những ngày trước. Trong một không gian không lớn, nhưng lại bất ngờ được phủ kín bởi lớp người về đây dự buổi thuyết minh giáo lý vào ngày rằm đặc biệt. Lớn có, trẻ cũng có nhiều. Nam có, mà nữ cũng thiệt đông. Đề tài hôm ấy là Đạo là đường duy nhất của vạn linh sanh chúng. Một đề tài mang nặng tính lý luận. Bài thuyết giảng là sự chứng minh tính duy nhất của ĐẠO, của con đường tiến hóa tâm linh tất yếu và đương nhiên của vạn linh sanh chúng không kể là bằng phương tiện nào được dùng để đi trên con đường đó. Quan trọng là từ đó, rút ra được sáu (06) điểm trọng yếu trong hành sự có ý hướng tính của vạn linh: sáng suốt tìm hiểu lẽ sống còn của đời người; sửa mình tu tâm luyện tánh; thương người và độ người; quay bánh xe đại thừa vào khắp chốn; dấn thân cầm giềng mối đạo; và cuối cùng là noi theo Trung Đạo1. Đây là chổ làm cho một đề tài vốn có tính lý thuyết trở nên mềm mỏng hơn đối với sự tiếp thu của đa số thính giả trong hội trường. Buổi thuyết minh giáo lý tạm khép lại bởi muốn nói thấu tận lý của câu Đạo là đường duy nhất của vạn linh sanh chúng e phải mất thêm nhiều hơn 1 tiếng ngắn ngủi của một thời thuyết minh giáo lý.

Thính phòng thuyết minh giáo lý ngay lập tức được chuyển chức năng thành phòng đợi của quý phụ huynh của các bạn Tu Sinh các khóa. Đối với đạo sự tầng lớp và liên tục tại CQ, không gian và con người đã trở nên linh hoạt biến dịch để có thể đáp ứng mọi nhu cầu đang diễn ra nơi đây. Vừa đó là thư viện, thì nay phải đổi dạng, thêm chức năng trong tích tắc để đạo sự được hanh thông, trôi chảy một cách suôn sẻ, luân lưu như không muốn ngừng nghỉ. Giờ đây, cũng trong cùng một không gian, là những tâm trạng hồi hộp, chờ đợi cái khoảnh khắc trọng đại trong mỗi con người đang ngồi đó. Chỉ mươi phút nữa, là buổi lễ hiến dâng của Tu Sinh và thành phần tự nguyện. Không một ai có thể hình dung cái sẽ diễn ra, ngoại trừ tạm hình dung ra một cái gì đó xao động và nôn nao hơi khó tả. Chỉ có người trong cuộc, với những khuôn mặt hơi lặng đi những ồn ào thường nhật mới có thể cảm nhận đầy đủ những tầng nấc cảm xúc tự bên trong không thể bộc bạch bằng lời. Giáo Sĩ Huệ Ý thay mặt Tập Đoàn Giáo Sĩ chào đón sự có mặt của quý phụ huynh, và các bạn Tu Sinh trong hân hoan. Điều khiến không gian bên ngoài và nội tâm của mọi thành viên có mặt hôm nay trở nên khác thường một cách hoan lạc là giá trị cao cả mà sắp tới đây được đánh dấu bằng một buổi lễ mà sau đó khiến mọi người phải nhớ và ấn tượng. Giá trị cao cả đó được phơi bày bằng cái tên lễ hiến dâng trọn đời của Tu Sĩ khóa 2, 3 và thành phần tâm nguyện.

Buổi lễ được long trọng tổ chức tại Bửu Điện với sự có mặt chứng lễ của quý đạo trưởng Ban Thường Vụ, Hiệp Thiên Đài; quý đạo tỷ Nữ Chung Hòa; các anh chị Giáo Sĩ và nhân viên các cấp cùng với sự có mặt của quý phụ huynh và thành phần hiến dâng trọn đời. Sự long trọng không chỉ nằm ở nơi diễn ra lễ, mà còn hiển thị qua từng khoảnh khắc thời gian trôi qua, và những cảm xúc thì đọng lại trong mỗi con người dù là người trong cuộc, hay người chứng giám cuộc lễ. Sự long trọng đó càng thêm trân trọng khi mỗi cá nhân nguyện hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sứ mạng Đại Đạo là những con tim còn bừng lửa thanh niên, là những lá phổi còn hừng hực sức trẻ, là những khối óc còn đủ nhiệt thành cho tương lai cơ đạo. Chưa bao giờ, chưa lần nào trong nhiều năm lại có nhiều người trẻ tuổi khẳng định sự lựa chọn một cách khẳng khái như vậy. Cái không gian đó làm choáng ngợp mọi sự tự nhiên và thành kiến cho rằng tuổi trẻ là giai đoạn của thụ hưởng và vui chơi! Và có lẽ nó cũng vừa nâng tầm ý thức của mỗi con người trẻ trung, vừa mở toang một niềm hy vọng to lớn của đấng sinh thành về tương lai đạo nghiệp. Cái cảm xúc đa diện lúc này đây không thể bộc phát ra bên ngoài như nó đang là. Thế nên, những sự nghẹn ngào trong hạnh phúc khó tả, những sự kìm nén trong hân hoan không thể nói,... đành chọn cách biểu hiện ra bên ngoài bằng những giọt nước mắt thật nhẹ nhàng. Trong sự tuyên thệ của từng Tu Sinh, trong lời phát biểu của đại diện phụ huynh, trên mỗi gương mặt của toàn thể các thành viên chứng giám có mặt hôm đó, tất cả chỉ có một xúc cảm biểu hiện qua sự xúc động tràn qua khóe mắt.
Với quý phụ huynh, đã có giây phút dành cho sự giải bày mọi tâm tư đang xoắn xít nhau ở trong lòng. Vừa có sự mừng, vừa có nỗi lo. Mừng cũng đúng! Vì từ nay, trước mắt Thầy Mẹ và các đấng, thế hệ trẻ đã lựa chọn cho mình con đường chông gai và thử thách để phụng sự cơ đạo thay vì bị lôi cuốn trong dòng xoáy vô tình của cuộc sống vô tâm như hiện nay. Đó là một vinh dự đáng để mừng. Lo cũng đúng! Vì con đường phía trước còn dài và không hề thiếu khảo thí thử thách những con tim ít nhiều hãy còn chưa từng trãi nghiệm. Hai cảm xúc trái ngược, một trái tim thương Thầy mến Đạo đã tạo ra một không gian vừa thiêng liêng siêu cảm tính, vừa gần gũi với những tâm tư chân thành được bộc bạch mang tính nhân sinh. Cái không gian ấy dường như có khả năng tràn vào mọi sự hiện diện trong nó không một chút huyển hoặc. Tất cả mọi con tim đã rung động!

Như vậy, ba mươi hai (32) thành viên trẻ trung đã tuyên thệ cho con đường, cho đạo nghiệp tương lai. Và lời giáo huấn của đại diện văn phòng Hiệp Thiên Đài, đạo trưởng Phụ tá Bảo Pháp Chơn Quân Thiên Vương Tinh, là sự tiếp sức cho tinh thần hy sinh của sự hiến dâng cao cả. Đến đây, cuộc đời của các bạn hiến dâng vừa mới hình thành trang bìa của quyển sách về con đường hy thân hành đạo sẽ đến. Nó bao hàm các mục, là mỗi bước đi theo sự dẫn dắt của Thiêng liêng, với số trang là mỗi thời điểm vinh danh tên tuổi của các bạn trong suốt chặng đường ở tương lai. Các bạn, rồi đây, sẽ phải tự viết cho mình nội dung cụ thể cho từng mục đã có để làm nên những trang sử của cơ đạo có tên của các bạn. Mong là điều đó không quá khó đối với tầm vóc mà sự hy sinh của các bạn chỉ có thể xứng đáng như thế và hơn thế!

Ngày hôm nay có thể trôi qua như cách chúng ta lật trang bìa của một quyển sách quý giá. Ngày mai sẽ đến, và các bạn chỉ còn phải viết lên mỗi ngày những giá trị đang được chờ đợi, kỳ vọng bằng tất cả những khát khao đã có từ ngày hôm nay, trong mỗi thời nhịp thiêng liêng. Sẽ đến một ngày, thời khắc đóng chiếc bìa cuối cùng của mỗi quyển sách quý là từng lúc chúng ta lại tôn vinh quá khứ có từ lúc này. Cầu nguyện cho các bạn luôn luôn tinh tấn trí huệ trong Hồng Ân của Thầy Mẹ và các đấng Thiêng liêng. Cầu nguyện cho các bạn luôn luôn dũng mãnh tâm can trong sự dìu dẫn của Thầy Mẹ và các đấng Thiêng liêng. Cầu nguyện cho các bạn luôn luôn an lạc và vui vẻ với tập thể trong tình huynh đệ trên con đường sẽ bước đi mai sau.

Viết cho mùa Khai Minh Đại Đạo Canh Dần
Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo
Thanh Long

Wednesday, November 17, 2010

CẢM NHẬN VỀ CHUYẾN ĐI VỀ THÁNH TỊNH LONG THÀNH

Sáng Chủ Nhật 14/11/2010, dự lễ kỷ niệm 80 năm thành lập thánh tịnh Bồng Lai ở Lái Thiêu xong chuyến liên giao hành đạo tiếp tục hành trình về Cần Thơ. Lần này là về thăm ngôi thánh tịnh Long Thành nhân dịp lễ khánh thành và lễ tri ân tiền bối quá vãng. Nếu thánh tịnh Bồng Lai thuộc Hội thánh Tiên Thiên (Bến Tre) thì thánh tịnh Long Thành lại thuộc Hội thánh Long Châu (Cần Thơ). Điểm khác biệt không chỉ nằm ở hệ thống hành chánh, mà còn thể hiện ở sự thờ phượng. Tuy vậy, điểm chung vẫn là thờ đức Chí Tôn qua Thánh tượng Thiên Nhãn.

Chuyến xe từ Sài Gòn về Cần Thơ mất 4 tiếng, chúng tôi mất thêm gần 2 tiếng nữa để đến được thánh tịnh. Nguyên cớ cho 2 tiếng đồng hồ này không phải do đường xa mà do một loạt các lý do khách và chủ quan khác nhau: nào là chờ xe trung chuyển, đợi xe taxi và lội bộ khoảng 400m! Cái đoạn cuối này cũng lắm thi vị, khi phải dò dẫm từng bước từ cầu Rạch Cam đến Thánh tịnh. Cũng may là có ánh trăng và ánh sáng tạm dùng của chiếc đèn pin từ điện thoại di động. Cũng có cái vui cho lần đầu tiên mò mẫm đường xá, hình dung lộ trình di chuyển ở một nơi mà chẳng hề có tí thông tin nào rõ ràng hết ngoài cái địa chỉ! Xem ra năm nay, toàn là những cái đầu tiên cả!


Đến Thánh tịnh vào khoảng 6.00 tối, huynh Đạt Tường cũng đâu đó ở Cần Thơ gọi điện thoại hỏi đường vào Thánh tịnh. Tắm mát xong lại được cho ăn tối ngay tức thì. Chư vị tại đây cứ lo chúng tôi bị đói nên khoản đãi một cách nhiệt tình khiến chúng tôi khó lòng từ chối, cuối cùng no quá xá no! Bữa tối vừa sắp xong thì giờ thuyết minh giáo lý cũng vừa đến. Hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi được nghe về những bài học đức tin, sự huyền nhiệm trong lịch sử Cao Đài giáo và các vấn đề liên quan đến ngày Khai Minh Đại Đạo. Sau buổi thuyết minh giáo lý, chúng tôi lại được ăn...cháo gỏi! Huynh Đạt Tường sớm ra về, trở lại Sài Gòn để còn chuẩn bị cho buổi thuyết minh giáo lý vào chiều tối hôm sau ở Thánh thất Bàu Sen.

Trời càng về khuya, lẽ ra phải cảm thấy lạnh vì sương đêm. Nhưng kỳ thực, không ai thấy thế. Ban tổ chức đã cho dựng các mái hiên chuẩn bị cho lễ ngày mai trước đó. Chúng đã chắn gió và cả cái lạnh của ban đêm nơi miền sông nước, nhiều cây cối. Mọi người đã chuẩn bị được chổ ngủ, nhưng không phải ai cũng có được chổ ngã lưng. Số người ở lại đêm không đông, nhưng do Thánh tịnh vẫn còn trong quá trình xây dựng nên “đất hẹp” dù người chẳng đông cũng không đủ chổ nằm. Thế nhưng cũng có cái hay. Khuya hôm đó hơn mười vị đã thức trắng đêm để trực mà cũng để hàn thuyên tâm sự chuyện đạo.

Các câu chuyện cứ nối đuôi nhau rong ruổi qua từng nhịp thời gian, vượt cả giờ Tý, xuyên qua hai cái thau cháo và nuôi ban khuya, và cứ thế cho đến khi tiếng gà gáy sáng, rồi bình minh ngày mới! Kể ra cũng nhờ cái đêm không ngủ đó mà sự xa lạ chỉ là khách viếng tạm thời. Khác nhau về tuổi tác, pháp môn, hệ phái, và cả tôn giáo chỉ làm cho cuộc nói chuyện trở nên thú vị hơn. Các câu chuyện bàn về đức tin Cao Đài, đạo pháp, Tình Thương, giáo lý Phật giáo Hòa Hảo, Hán văn....giúp chúng tôi vừa thấy khác biệt với nhau, nhưng lại vừa gần gũi nhau hơn. Được thế là do cuộc đối thoại của chúng tôi không phải là cuộc “thập tự chinh” về giáo nghĩa. Đó là một cuộc trình bày những quan điểm, tư tưởng quá khác biệt để được lắng nghe, học hỏi và trau đổi. Đạo huynh ở Chiếu Minh thì cho chúng tôi bài học về sự cẩn ngôn trong tu học. Huynh ở Chiếu Minh Long Châu thì cho chúng tôi ý nghĩa về đạo lý bất di bất dịch của ông Trời, phận người thì người cứ làm, nhưng việc thành tựu sẽ do Trời định đoạt. Huynh ở Phật giáo Hòa Hảo cho chúng tôi sự thú vị về các bài thơ chữ Hán của Huỳnh Giáo Chủ, cũng như cái hay trong tiếng Hán, tiếng Nôm. Một số huynh khác tỏ ra thích thú lạ thường với nội dung quyển “Thượng Đế Giảng Chơn Lý”. Các huynh ở Thánh tịnh Long Thành lại “bật mí” một tí về pháp môn Vô Vi của đức Mẹ giáng dạy ở Thánh tịnh. Và một ý kiến khác hay khi nói về cách hiểu Thượng Đế và các vấn đề “siêu nhận thức”, nếu muốn hiểu hãy đợi ngày về trên ấy, còn bây giờ hãy nhìn vào hiện tại, cái đang diễn ra, vì thông qua nó chúng ta sẽ biết được phần nào cái “siêu nhận thức” kia. Quả là một đêm đầy chữ nghĩa và đạo lý!

Đêm chừng như ngắn lại bởi tâm tư con người bị thu hút bởi những câu chuyện khác nhau. Đêm chừng như là đa diện vì rất nhiều vấn đề được đặt ra để mọi người cùng suy nghĩ và đưa ra ý kiến. Đêm chừng như là hòa ái, khi dị biệt không bị công kích phản bác mà lại được lắng nghe và tôn trọng. Đêm như thế đã diễn ra bên một dòng sông, dưới ngàn ánh sao, bên những hàng cây to, cây nhỏ... gần với một thánh tịnh Cao Đài. Nó khác hẳn so với những công kích, những phản biện thiếu khoa học, kỹ năng dùng cái giọng nói nhỏ nhẹ để đưa ra ý kiến gắt gao, thiếu hẳn thái độ xây dựng trong thảo luận ở nơi được xem là “trung tâm học vấn cao cấp nhất” hiện nay! Điều nguy hại nhất là nó lây nhiễm cả vào hàng ngũ tiếp nối, thế hệ trẻ mà không có sự điều chỉnh nào thích hợp được diễn ra. Mọi thứ đang “ngã” dần theo những hào quang của vinh dự và cao cả về hình thức, nhưng kỳ thực là nội tại bị bóp ngẹt, và bí lối để vươn lên! Nhưng làm sao có thể khác được khi cả cộng đồng to lớn hơn cũng thể hiện như thế! Cộng ghiệp của chúng vậy!

Tạm gác bỏ sang bên những cái “mảng đêm” trong ánh hào quang và ảo ảnh về vinh dự, để trở về với một thực tại khác đang có tại nơi đây. Không phải là người có học cao cấp, không phải là người được cho là có tâm đạo to tát, lại càng chẳng phải là người có trí tuệ siêu phàm, đức tin mạnh mẽ vô đối; nhưng từng câu nói, mỗi sự trình bày suy nghĩ là cả tấm lòng chân thật...Tôi nghĩ thế này ….các em thấy sao,...rồi...theo đạo để nghĩ thế này....ý huynh ra sao,....còn phản biện thì...Thánh giáo viết thế này, Ơn Trên dạy thế kia,...nay nếu ta nghĩ như vầy...e chẳng phải lắm....!!! Cái kết quả được sáng tỏ và tựu lại bên trong mỗi người ở mỗi khoảnh khắc của trao đổi. Cứ cảm nhận theo cách diễn đạt ý sau đó là hiểu được mỗi người đã hiểu ra được vấn đề gì, không cần phải làm theo cái cách anh phải nói thế này, thế nọ hoặc anh phải thấy như vậy mới đúng, nói như anh là trật lất!


Đêm không quá ồn ào trôi qua, nhường ánh bình minh đến trong tiếng lao xao những người đồng đạo chào hỏi nhau. Giờ điểm tâm lại đến, lại ăn tiếp! Thích thật!

Sau giờ điểm tâm, chương trình lễ khánh thành được long trọng tổ chức tại Thiên Phong Đường. Băng khánh thành được các vị đại diện chính quyền, đại diện Hội Thánh Long Châu và Thánh tịnh Long Thành cắt mở. Chư vị quan khách tiến vào Thiên Phong Đường bắt đầu cho chương trình lễ. Sau hơn 2 tiếng buổi lễ, đại diện Thánh tịnh gửi đến quý quan khách tiểu sử của Thánh tịnh, tổng kết chi phí xây dựng thánh tịnh. Trong buổi lễ, đại diện Thánh tịnh xác nhận việc tổ chức lễ khánh thành khi việc xây dựng chưa hoàn tất là để đúng ngày 10 tháng 10, Canh Dần theo lời dạy của Ơn Trên. Đó là một đặc điểm của buổi lễ hôm đó. Cho đến ngày khánh thành, Thánh tịnh được cơ bản về phần thô của Bát Quái Đài và Thiên Phong Đường. Còn Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài vẫn chưa có. Khó khăn tài chính vẫn là nguyên nhân làm kế hoạch xây dựng Thánh tịnh không nhanh hơn được.



















Buổi lễ kết thúc. Tiệc chay thân mật lại đến. Quý quan khách lại được chiêu đãi những món ngon mà đơn giản, mang đậm nét thôn quê, khó lòng mà chê cho được! Đã vậy, lúc ra về còn được mang về 2 đòn bánh tét....ngon không thể tả!

Đón chuyến xe về Sài Gòn sớm hơn dự định, tôi cảm thấy rất vui. Có lẽ đây là một trong ít lần đi liên giao hành đạo tôi thấy được ý nghĩa của hai chữ “liên giao”. Một số bạn thấy tôi đi “ăn tiệc” nhiều thế đã đặt tôi cái vị trí vào vai trò Tịnh Đàn Sứ Giả (1)...Nhưng qua những dịp như thế này, tôi còn thấy được nhiều điều hơn cái “sứ giả ăn tiệc” lợi nhiều hơn hại đó! Như lời đức Giáo Tông dạy vào năm 1971 về phần việc của ban Liên Giao Hành Đạo (2). Tôi biết rằng tôi chưa làm nhiều, nhưng đã hiểu ra nhiều về sự quan tâm, chăm sóc để hiểu và đi đến hổ trợ thích hợp với từng mỗi hoàn cảnh địa phương. Ít nhất, lúc này, khi sắp hết nhiệm vụ một năm tôi đã kịp lớn lên được một tí trong trách nhiệm hành đạo của mình! Không uổng những ngày đi đây đó!

Viết cho Cần Thơ, 15-11-2010
Thanh Long

(1)Nghe nói rằng đây chính là vai trò của Trư Bát Giới - Thiên Bồng Nguyên Soái trong thời kỳ này!
(2)Xem TGST 1971, đàn cơ ngày 13-02-197