Giới thiệu: Nhiều năm sinh hoạt tại CQ, chương trình đạo đàm đã diễn ra rất thường xuyên và đã đi vào quỹ đạo tu học được nhiều quý huynh, tỷ, đệ, muội tham gia với nhiều bài viết, buổi nói chuyện rất phong phú và bổ ích. Tuy nhiên, cũng không phải ai cùng có thể tham gia đạo đàm. Một trong những lý do gây ra sự khó khăn này chính là ý tưởng của bài nói chuyện. Bài viết này là sự chia sẽ kinh nghiệm để “săn lùng” ý tưởng và chia sẽ cùng với mọi người thông qua chương trình đạo đàm mỗi Chủ Nhật.
Đạo đàm là gì?
Có thể tạm định nghĩa một buổi đạo đàm là một buổi nói chuyện về các chủ đề có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tu học và hành đạo của người nói chuyện hoặc thánh sở hay đạo sự đang diễn ra. Mục đích của đạo đàm như vậy có thể cho rằng là sự chia sẽ quan điểm về một vấn đề nào đó với mọi người nhằm lấy ý kiến, phản hồi từ nhiều phía của thính giả. Một phương diện khác của buổi đạo đàm là giới thiệu các ý tưởng mới liên quan đến việc tu học, hành đạo và nghiên cứu giáo lý. Điểm này rất ít thấy xuất hiện sau này.
Một buổi nói chuyện như thế thường dài từ 20 đến 30 phút và 15 đến 25 phút cho phần thảo luận của thính giả về chủ đề của ngày hôm đó. Tổng cộng là 45 phút cho toàn buổi. Tùy vào nội dung có tính chuyên sâu hay giới thiệu mà thời gian dành cho các phần nên khác nhau. Thí dụ như nếu bài nói chuyện có tính giới thiệu thì thông thường phần thảo luận không thể dài quá 15 phút. Trong trường hợp các bài chuyên sâu thì phần thảo luận có thể dài. Vì thế, bài nói chuyện chỉ nên tập trung vào một hay hai điểm chính mà trình bày trong tối đa 20 phút.
Các chủ đề thường dùng để tham dự đạo đàm
Sau đây là một số các chuyên mục đề nghị để xây dựng các bài đạo đàm có nội dung tương ứng. Danh sách này, đương nhiên, không phải là danh sách đóng. Nghĩa là ngoài các chuyên mục sau, chúng ta hoàn toàn có thể thêm vào những cái khác nhằm tăng thêm màu sắc và hương vị của chương trình đạo đàm nói chung hay cho chính sự tìm hiểu, học hỏi của mỗi người.
Giới thiệu sách: đây là mục đơn giản nhất. Chuyên mục chỉ nhằm giới thiệu những quyển sách mới, sách chưa được quan tâm nhưng có giá trị cho việc tu học, hành đạo.
Điểm sách, báo: hiện nay đã có chuyên mục điểm nội san CĐGL. Bên cạnh đó cũng nên đưa ra các bài đạo đàm có nội dung điểm sách. Khác biệt giữa điểm sách và giới thiệu sách là bài điểm sách đi sâu và nội dung tác phẩm chứ không tập trung vào giới thiệu tổng quát đến thính giả. Bài điểm sách có một nội dung sâu hơn và có tính phê bình để đưa ra các giá trị thực sự có ích.
Trình bày ý tưởng, quan niệm mới trong việc tu học, hành đạo: trong quá trình tu học, hành đạo có thể cá nhân sẽ trãi qua những bài học quý giá. Từ đó, cá nhân rút ra được những bài học thực sự để mọi người rút kinh nghiệm thông qua những đề xuất có giải thích, có lý lẽ để một mặt là chia sẽ thông tin, một mặt là nhận phản hồi nhằm hoàn chỉnh cái cá nhân thành ra một bài viết có tính thực tiễn cao hơn.
Trình bày nội dung nghiên cứu ở dạng tóm tắt: Đôi khi trong quá trình nghiên cứu những chuyên đề sâu có thể chúng ta sẽ cần thêm nhiều cách nhìn khác để giúp chúng ta phá vỡ một bế tắc nào đó trong tư duy; hoặc chúng ta muốn làm “công tác tư tưởng” để giải tỏa một số khó khăn do tính chuyên sâu của công trình nghiên cứu trước khi công bố nó ra công chúng. Lúc này, đạo đàm là công cụ đo lường mức độ chấp nhận với tư tưởng của chúng ta hiện tại. Có thể, ta sẽ điều chỉnh đôi chút cho gần với mọi người hơn hoặc là một cách lý giải, biện luận khác cũng nên.
Các kỹ thuật và phương cách trình bày đạo đàm
Như vậy là sau khi đã có đề tài, chúng ta bắt đầu vào việc viết bài minh họa ý tưởng đã có. Trước hết ta hãy xem qua vài kỹ thuật trình bày đã có và hiện đang dùng:
Kỹ thuật thuyết trình nhập tâm: Bằng kỹ thuật này, người thuyết trình chủ yếu là nói liên tục bài viết của mình một cách lưu loát theo trình tự đã định sẵn mà không quá nhiều lệ thuộc vào tài liệu, sách vở và cả bài viết của mình đã có. Ưu điểm của phương pháp này là tác động trực tiếp vào tâm trí của người nghe bởi sự nhập tâm, ứng khẩu linh hoạt và thường rất thực tiễn. Nhược điểm của nó lại là thử thách người nghe tiếp thu đúng, hoàn chỉnh ý của người nói.
Dùng phần mềm thuyết trình: Mang tính kỹ thuật hiện đại, gần đây chúng ta vận dụng máy chiếu vào việc thuyết trình. Cũng như cách trên, nhưng khi có sự hổ trợ phần mềm thuyết minh sẽ giúp người nói khắc dấu ấn sâu sắc vào người nghe. Bởi lúc này, thính giả dùng hai giác quan chính yếu để thu nhận thông tin: mắt và tai. Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả cao, rõ ràng và hổ trợ được cho cả người nói và người nghe. Nhưng cũng có nhược điểm là nếu người thuyết trình không chuẩn bị kỹ và tốt có thể làm cho nội dung trình diễn trên máy làm hạn chế khả năng ghi nhận của người nghe.
Kỹ thuật đọc bài viết: Đây là kỹ thuật phù hợp cho người mới bắt đầu việc thuyết trình chưa đủ tự tin. Tuy có vẻ là hạn chế nhưng ưu điểm của cách này là chuẩn bị tương đối kỹ. Với bài viết trong tay việc theo dõi của thính giả cũng dễ hơn nếu có được phát tài liệu tham khảo.
Những tiêu chí cho một buổi đạo đàm hoàn chỉnh
Việc quan trọng không kém của buổi đạo đàm của những hoạt động sau đó. Một buổi đạo đàm thường trở nên có ý nghĩa hơn khi phần thảo luận đem lại những điều hay và bổ ích. Trong phạm vi một hoạt động mang tính nội bộ, bản thân tôi lại thấy các tiêu chí sau có thể dùng đánh giá một buổi đạo đàm:
Vui vẻ: điều này phụ thuộc vào khả năng mở lòng của người nói, lẫn người nghe trong lúc thảo luận. Vui vẻ không phải là khái niệm liên quan đến chỉ mỗi tiếng cười. Vui vẻ là bầu không khí thẳng thắn và trãi lòng để tìm một điểm chung nào đó trong những sự khác biệt trong tư duy, suy nghĩ. Đôi khi rất khó tránh khỏi việc các quan điểm trái ngược lại gặp nhau trực tiếp, hoặc tư ý cá nhân có thể làm không khí buổi đạo đàm hơi “chùn” xuống. Đó chính là lúc chúng ta học được bài học về sự vui vẻ cần thiết.
Nhiều ý kiến đóng góp, phản hồi tập trung vào ý của người thuyết trình: Thảo luận sẽ luôn là phần thú vị của một buổi đạo đàm. Đó là lúc chúng ta học được nhiều suy nghĩ mới từ nhiều góc độ khác nhau cho cùng một vấn đề. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những ý kiến hoàn toàn đi ngoài nội dung của bài nói chuyện. Không tính đến tính rõ ràng của bài nói chuyện, buổi thảo luận có thể đi ra ngoài “quỹ đạo” mà nội dung bài nói chuyện đang đề cập đến. Khi đó, buổi thảo luận sẽ đi đến chổ “bế tắc” và “vô vị”. Khắc phục điểm này chỉ là cách thức trình bày một nội dung có lý lẽ rõ ràng. Bên cạnh đó, người nghe phải có sự tập trung để nắm bắt ý tưởng của người nói. Có thể là sau đó là những chất vấn với chính tác giả bài nói chuyện để làm rõ hơn ý tưởng của bài nói chuyện đó.
Phần đúc kết phải rút ra được một bài học/kinh nghiệm/khả năng vận dụng hay phát triển bài nói chuyện thành chuyên đề nghiên cứu sâu: Trước khi thính giả và người nói ra khỏi phòng buổi đạo đàm, điều hay nhất là phần đúc kết buổi đạo đàm. Phần này nhằm rút gọn toàn buổi đạo đàm vào những ý tưởng chính. Thông qua đó, việc đúc kết này sẽ đưa ra một giá trị thực tế hay lời nhận xét khả năng vận dụng vào thực tiễn tu học của bài nói chuyện. Hoặc hơn thế nữa, là những ý kiến nhận xét về khả năng và hướng đi tìm hiểu sâu hơn nữa nội dung của bài nói chuyện. Như vậy, công tác nghiên cứu tương lai được xác định qua buổi đạo đàm. Đó là cái quý nhất của một buổi đạo đàm.
Một vài kinh nghiệm
Không phải buổi đạo đàm nào cũng giống buổi nào. Có lúc thành công, có lúc hơi tẻ nhạt. Có khi hào hứng, mà cũng có khi hơi lạt lẽo. Những việc đó nên được phản hồi một cách tế nhị để bản thân người nói và người nghe suy nghĩ để chuẩn bị tốt hơn cho những lần sau.
Kinh nghiệm cá nhân cho việc chuẩn bị nội dung đạo đàm có thể như sau:
Nếu chọn phương pháp hổ trợ kỹ thuật của phần mềm thuyết trình và máy chiếu thì mỗi tập tin trình diễn khoảng tối đa 10 trang trình chiếu (slides) cho 20 đến 30 phút.
Nếu chọn kiểu đọc hay cách thuyết minh nhập tâm thì bài viết nên khoảng 5 - 6 trang A4
Và dù là cách nào, người nói nên có phần tài liệu soạn thảo gửi đến thính giả nhằm giúp cho việc tập trung tư suy cùng với ý tưởng của người nói.
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 5 năm 2010
Thanh Long
No comments:
Post a Comment