Friday, February 18, 2011

ĐI ĐẾN TĨNH LẶNG

Đêm khuya

Lâu lắm rồi,mới lại có dịp “vi vu” trên đường vào lúc trời đã vào đêm khuya tịch mịch nơi thôn quê thoáng đãng không gian. Đèn đường không có, con đường được soi tỏ cho những chiếc xe gắn máy chạy trên nó nhờ vào những chiếc đèn xe hoàn toàn khiêm tốn trong đêm đen mịch mịch. Thoảng có đoạn đường sáng rực cả góc trời nhờ vào các vườn Thanh Long được treo đèn. Có nghe nói, trái Thanh Long Bình Thuận ngon và mượt mà hơn mọi Thanh Long của xứ khác mà chưa một lần được tận thị, tận vị nhìn cảm thấy sự khác biệt đó.

Đêm khuya thật thanh vắng, yên lặng. Âm vô thanh át được cả tiếng xe gắn máy trên đường!

Chuông Trống

Giữa đêm mù tịch mịch như thể vô thanh nơi thôn quê, tiếng trống Lôi Âm, chuông Bạch Ngọc vang lên như muốn đánh thức sự mê mê tỉnh tỉnh của tâm tư, tình thức bộn bề trong cõi ta bà. Giờ Tý linh thiêng dường như đang gọi dậy mọi huyền linh của tâm thức. Mọi xì xào của tư tưởng, ồn ào của thế sự dường như cũng muốn chậm lại nhường cho không gian tiếng trống chuông hữu âm hữu lý.

Từng đợt trống chuông trỗi bừng lên trong cảnh đêm không đèn, đánh dấu thời khắc của huyền vi nơi cõi tạm. Âm hữu thanh át được những tâm tình vội vã kiếp nhân sinh!

Vi Diệu

Nhịp thời gian lần trôi nhè nhẹ,
Tiếng thăng trầm khe khẽ buông rơi,
Vào tâm thức ý và lời,
Những khuyên, những bảo làm vơi tâm trần.

Cuộc thế sự lòng người ngơ ngẩn,
Phút thiêng liêng lý ẩn truyền trao,
Có ai tin tưởng đạo mầu
Lắng tâm lãnh hội sắc màu diệu vi.

Những nghi hoặc tạm dừng chân bước,
Để thành tâm tiếp rước Thiên Ân,
Đêm khuya cũng ngắn lại dần,
Trần tâm đã được lại gần Thiên Ân.

Cầu nhân sinh giả chân phân biệt,
Đạt lý cao mãi miết đường chơn,
Giữ tâm học đạo là hơn,
Lợi danh cửa Phật làm cơn khảo trần.


Thanh Long
Mùng Một tháng Giêng, Tân Mão

Monday, February 14, 2011

BÓI PHẬN ĐẦU NĂM

Thường thì người ta đi xem bói, bốc quẻ hay xin xăm đầu năm để biết vận số trong năm và cầu xin được Thiêng liêng gia hộ, độ trì. Và cũng đã từ lâu, một bộ phận lớn người Cao Đài lại có một cách thức cũng tương tự để thấy được bản thân, bản tâm trên đường tu hành học đạo. Cái cách tương tự đó được gọi là hái lộc đầu năm, mà tạm đặt cho cái tên “bói phận đầu năm” để muốn nói về tư tưởng giao cảm của con người và Thượng giới thông qua những lời Thánh thi trong những ngày đầu năm.

Nét văn hóa đặc trưng này đã bắt nguồn từ CQ.PTGLĐĐ, theo như cái hiểu biết của riêng tôi. Riêng năm nay nhờ có đi đến nhiều nơi, tôi nhận thấy cũng có hình thức tương tự. Thế nên, đi đến đâu tôi cũng ráng xin sự hướng dẫn của Thiêng liêng. Cũng nên nói rõ sự khác nhau giữa bói phận và bói toán thông thường. Với cái được gọi là “bói phận”, thì lời dạy của các đấng Thiêng liêng là sự nhắc nhở, khuyên nhủ, dạy bảo. Mỗi lời dạy được “cất” trong một cái bao lì xì và treo lên cây mai hoặc để trong một cái chậu nhỏ. Mỗi người sẽ cầu nguyện và bốc một bao lì xì. Khi lấy ra đọc, thường thì mọi người đều cảm nhận mỗi lời dạy đều phản ánh tâm tư, thật tế cuộc sống tu hành học đạo của bản thân. Căn cứ vào sự hiểu biết về lời dạy bốc được một cách ngẫu nhiên đó mỗi người sẽ chiêm nghiệm, đối chiếu với tâm tư của mình. Cũng từ đó mà thấy được bản thân mình trong năm hành đạo mới!

Năm nay, đi chúc tết 7 thánh thất, thánh tịnh thì đã có 5 thánh sở có văn hóa hái lộc “bói phận” này. Cũng có nơi rất tỉ mỉ thêm phần xuất xứ của Thánh thi, có nơi chỉ đơn giản ghi lại lời dạy của các đấng mà thôi. Có nơi cẩn thận in trên tờ giấy cứng, có chổ in trên giấy thường.

Bây giờ là tự “giải số” của tự thân!

Lời dạy đầu tiên là của đức Vạn Hạnh Thiền Sư. Xem ra năm nay tôi chắc có duyên với đạo pháp nên mới “gặp” đức Vạn Hạnh Thiền Sư trước hết! Nhưng có lẽ sẽ có nhiều trắc trở nên lời dạy lại là bức tranh hai mặt của thành công và trở ngại.

Tướng giỏi điều hành vạn toán binh,
Muôn dân trăm họ hướng theo mình;
Người tu lấp lửng không ngăn nổi,
Lục dục, lục căn với thất tình.1


Trước hết, hai câu đầu cho thấy một hình ảnh của cái thành công bên ngoài qua cái uy danh. Đó chính là sự ảnh hưởng tha nhân, sức thu hút nhân sinh của “tướng giỏi”, người có tài trong cuộc sống. Dường như đó chỉ là một sự tương phản với “Người tu lấp lửng”, có lẽ mới đúng là trọng điểm của lời thơ. Với người tu hành học đạo thì lục dục, lục căn, thất tình mới là đối tượng cần thu nhiếp, cai quản, điều hành, chứ không phải là tha nhân, ngoại thể. Có thể cảm được ý của bài Thánh thi là muốn nói rằng người muốn tu thì không nên “lấp lửng” để rồi quên mất đi nội tâm xáo trộn bởi tình thức, vọng niệm. Muốn thành công thì phải điều quản được 19 tên lính này, mà thực ra có thể chỉ là 13 tên. Như thế cũng cho thấy một năm qua 19 tên lính này đã nổi loạn trong thân mà chưa được “thuần hóa” đúng mức. Nên lời dạy là sự nhắc nhở về tác phong và đạo hạnh! Chắc là đúng như vậy!!!

Sau khi được nhắc nhở về tác phong đạo hạnh, đặc biệt là phần điều quản tình cảm, là lời nhắc nhở về tác phong đạo hạnh, phần Tài và Đức.

Đừng lòng kiêu hãnh cậy mình tài,
Nên nhớ chữ tài cận chữ tai;
Tài ít đức nhiều còn hữu dụng,
Tài suông thiếu đức họa nay mai.2


Chưa thấy năm qua mình phát triển cái Tài ra sao mà được nhắc nhở thế này. Có thể năm sau mình sẽ phát triển cái tài này nên Ơn Trên dặn trước chăng? Nếu nói năm qua rằng tôi có tài, chỉ chắc có mọt cái tài mà nghe thôi cũng sợ, tài đi. Suốt năm Canh Dần, tôi đã đi liên tục, đi sáng, đi tối, đi nữa ngày, một ngày cả đến đi hai, ba ngày; đi nguyên tuần, và gần như tháng nào cũng có đi. Có lúc đi khuya, nhiều khi đi từ sáng sớm. Có lúc đi xe đò, một vài lần đi xe hơi, và rất nhiều khi đi xe gắn máy. Đi một mình có, hai mình có mà ba bốn mình cũng có! Đi như thế thì tự thấy mình tài, nhưng chưa hiểu lắm liệu mình có sinh lòng “kiêu hãnh” vì đi hay không?

Lời dạy quá rõ ràng để suy nghĩ thêm. Đây cũng là quan niệm của thế nhân theo đường lối trọng đức. Nếu không quá “kiêu hãnh” thì tự cảm thấy rằng mình được xác nhận là có “tài”, nhưng phải biết học tánh khiêm nhường, thái độ khiêm cung, để tâm luôn khiêm hạ thì mới được “vô cựu” vậy! Chợt nhớ có một câu danh ngôn đọc được với đại ý là người có tài thì thật tốt, nhưng khi tính ngạo mạn giảm xuống thì cái tài mới có thể ngẩng lên. Hợp lý vô cùng!

Lá “xăm” thứ ba, nghe ra rất là ….tu. Thú vị là lời dạy này giống như là sự “khuyến tặng thêm”. Chuyện là như vầy, lẽ ra mỗi bao lộc chỉ chứa một lời dạy của một đấng mà thôi. Nhưng riêng lá “xăm” của tôi lại được “tự nhiên” nhân đôi lời dạy của hai vị tối cao của toàn đạo được in cả trên 2 mặt của tờ “xăm”. Nên nhận được lá “xăm” cực tuyệt may mắn này, lòng vui hết lớn.

Sau lần được “nhắc nhở” về đạo hạnh của đức Chí Tôn, tiếp theo lần này đức Giáo Tông Vô Vi “phán” như sau:

Là môn đệ Cao Đài Thượng Đế,
Phải dặn lòng phước huệ song tu;
Ấy là công quả công phu,
Thương người mến vật vận trù nội tâm. 3


Đại ý của bài Thánh thi là xác nhận mình là đệ tử của đức Chí Tôn thì phải tâm vật bình hành thể hiện qua con đường tu phước và tu huệ bằng phương pháp công quả và công phu; cụ thể trong đời sống thường nhật là làm cho tâm được bác ái, từ bi, thân thì gần gũi tha nhân, hữu thể; từ đó rèn luyện cái tâm cho hợp với Thiên lý. Đây quả một công án không riêng cho cá nhân tôi. Song tu phước huệ là châm ngôn dành cho phần lớn tín hữu Cao Đài. Nhưng hiểu được, vận dụng được vào cuộc sống cho đúng với Thánh ý thì quả là một thách thức to lớn. Phải suy nghĩ, suy nghiệm để suy tư có thể hiểu thấu lời dạy này mới có thể thực hành trúng được. Suy nghĩ, suy nghĩ...và suy nghĩ....

Sau khi dạy và nhắc tôi về đạo hạnh, hình như vẫn chưa an tâm với tôi, đức Chí Tôn lại chờ tôi ở Điện Thờ Phật Mẫu Linh Xuân để nhắc thêm:

Đừng sợ khó, khó nên công,
Công khó may gìn chữ sắc không;
Không sắc sắc không vui đảnh hạc,
Hạc về chốn cũ dựa rừng tòng.4


Trước hết khi đọc, thấy các câu hai, ba, bốn đều là bảy chữ. Riêng câu đầu chỉ sáu chữ mà thôi. E có đánh máy thiếu nên cố tìm trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 1 và 2. Khi tìm ra rồi thì thấy không phải do đánh máy thiếu. Nguyên văn trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 2, phần Thi Văn Dạy Đạo y chang như vậy. Kể ra cũng lạ!

Bài Thánh thi này quả có diệu ý cao xa mà trí phàm nghĩ chưa thông để giải. Chỉ tàm tạm, ngờ ngợ cho rằng hình như là đức Chí Tôn muốn nhắc đến sự tu hành học đạo phải luôn phấn đấu tiến lên bất kể có khó khăn gì. Trong bất cứ khó khăn nào cũng phải giữ cái tâm như như, thanh tịnh, sắc tức thị không, không tức thị sắc làm niềm vui bất tận. Đó chính là phương thức trở về quê cũ thiêng liêng. Thâm sâu, khó hiểu, vĩ đại, khó tầm....Chỉ hiểu được mỗi câu sáu chữ! Lại phải suy nghĩ, suy nghĩ và suy nghĩ....

Tiếp theo là hai lời dạy khác, cũng không ngoài ý nghĩa như bên trên, nhưng được diễn giải theo một cách cụ thể hơn.

Khuyên con ráng định rán phăng,
Con phăng trúng nhiệp bổn căn gặp Thầy,
Các con rán nhớ lời này,
Đạo Thầy gom lại con bầy lòng nhơn.5



Thiết thạch trong lòng kỳ ngươn tận,
Các con đồng tinh tấn bước đi,
Thiền môn trẻ gắng mật trì,
Tu hành gìn giữ cho y giáo điều.6



Như vậy thông qua ba lời dạy và nhắc nhở ở trên, bản thân tạm nhận ra “bài toán” của bản thân trong năm qua và năm tới: vấn đề tâm hạnh và phương châm tu học. Về tâm hạnh, năm sau phải là một cuộc đại chiến nhằm thu phục “thập tam ma” hay “thập cửu ma” và phải học về đức tính khiêm cung từ tốn! Về phương châm tu học, phải suy nghĩ về con đường chơn pháp, song tu phước huệ, để hiểu rõ lý sắc không! Còn việc về “rừng tòng” để “dựa” thì để tính sau!

Giải phận đầu năm thế là đủ. Nếu quý cao minh có cao kiến gì hơn, xin được chỉ giáo!

Bói sinh

*******************************
1. Đức Vạn Hạnh Thiền Sư, Minh Lý Thánh Hội, Mùng Tám tháng Chín, Kỷ Dậu, 18-10-1969
2. Đức Chí Tôn, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
3. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển
4. Đức Chí Tôn, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển II, phần Thi Văn Dạy Đạo, bản in lần thứ ba, năm Canh Tuất 1970
5. Câu này không nhớ là “xin lộc” ở thánh sở nào mà có. Cũng không thấy ghi lời dạy của đấng Thiêng liêng nào. Nên cũng không biết xuất xứ. Chỉ có thể đoán là của đức Chí Tôn vì có xưng bằng “Thầy”.
6. Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
Ý kiến riêng: Bài thi này nhận được ở Thánh Tịnh Tân Minh Quang vốn là một trong những nơi được xây dựng và tu hành theo Thánh ý. Nhưng mặt sau lại ghi là Đạo Viện Tân Minh Quang. Trước đây thì lại thấy ghi là Đạo viện Tân Minh. Mà cách gọi đạo viện cũng là một hiện tượng lạ so với lịch sử Cao Đài giáo kể từ thời khai đạo đến nay và lạ với cả Pháp Chánh và Tân Luật. Kể ra cũng lạ là ngay trong Thánh tịnh, vốn là trường tịnh lại có thêm đạo viện. Như vậy về quyền pháp cũng là hiện tượng kỳ đến lạ.